Trái Phiếu Doanh Nghiệp

Phát hành trái phiếu là một trong các kênh huy động vốn bên cạnh vay vốn ngân hàng, phát hành cổ phiếu,… Tuy nhiên có một thực tế là phát hành trái phiếu chỉ được các doanh nghiệp nước ngoài và được Chính phủ và một số doanh nghiệp có quy mô vốn lớn sử dụng. Do đó, thị trường trái phiếu Việt Nam chủ yếu là trái phiếu của Chính phủ. Cho đến nay, phần lớn các doanh nghiệp đang coi tín dụng ngân hàng là kênh huy động vốn chính mà chưa quan tâm và coi trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh huy động vốn rất lớn cho doanh nghiệp. Gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được xây dựng và đang có những bước phát triển, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực kể từ 01/02/2019 được mong đợi rằng sẽ góp phần thúc đấy thị trường trái phiếu phát triển song hành cùng thị trường cổ phiếu.

Nghị định này quy định việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Còn hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng vẫn được thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn.
Nghị định 163/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP quy định mới nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ phải có kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành có lãi. Đây là quy định rào cản thực sự với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và muốn sử dụng trái phiếu như một công cụ để tái cấu trúc. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi, Nghị định 163/2018/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp chỉ cần có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định (Điểm c Khoản 1 Điều 10).
Một điểm quan trọng nữa tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP đó là doanh nghiệp phát hành được mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu ngoài cơ cấu lại nợ còn được giảm nợ (Điều 7) mà không có ràng buộc về điều kiện thời gian phát hành. Thực tế, vấn đề mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu nhằm giảm nghĩa vụ nợ cũng đã được quy định tại Thông tư 99/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Tuy nhiên,  đối tượng áp dụng Thông tư này chỉ gồm doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh, do đó quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP sẽ không bị hạn chế đối tượng doanh nghiệp được áp dụng.
Bên cạnh những quy định tạo điều kiện hơn thì Nghị định 163/2018/NĐ-CP cũng yêu cầu chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đó là, doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu phải có lịch sử thanh toán gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trong 3 năm liên tiếp trước đó đầy đủ (nếu có) (Điểm e Khoản 1 Điều 10), trong khi ở Nghị định cũ không quy định điều này. Về việc công bố thông tin, Nghị định mới yêu cầu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trái phiếu phải chấp hành quy định về công bố thông tin trước và sau phát hành; công bố thông tin định kỳ, thông tin bất thường; công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu. Nghĩa vụ công bố thông tin được yêu cầu chặt chẽ hơn hẳn so với quy định trước đây (Chương IV Nghị định 163/2018/NĐ-CP)
Bên cạnh đó, Nghị định 163/2018/NĐ-CP cũng giới hạn thời gian được phép chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu. Theo đó, loại trái phiếu này  không được chuyển nhượng trong tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp chuyển nhượng cho hoặc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật (Điểm đ Khoản 2 Điều 10). Thực tiễn cho thấy hoạt động chào bán riêng lẻ và hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng có quan hệ mật thiết với nhau, nhiều đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ có thể dẫn đến chào bán ra công chúng; hoặc một đợt chào bán chứng khoán ra công chúng cũng có thể có chào bán chứng khoán riêng lẻ, khi các công ty đại chúng phát hành chứng khoán cho nhà đầu tư chiến lược hoặc một nhóm nhà đầu tư nhất định. Hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ được bán chủ yếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, không tổ chức công bố thông tin công khai. Vì vậy, theo các nhà soạn luật, cần phải hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành cho số lượng hạn chế rồi chào bán tiếp ra công chúng. Với mục đích đó, Nghị định 163/2018/NĐ-CP hay ngay cả dự thảo Luật Chứng khoán cũng quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là 1 năm.
Một quy định khác cũng cần chú ý, đó là việc không chế số lượng các nhà đầu tưmua trái phiếu ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, Khoản 4 Điều 2 Nghị định 90/2011/NĐ-CP: “Phát hành trái phiếu riêng lẻ” là phát hành trái phiếu cho dưới một trăm (100) nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet”, điều này dẫn đến cách hiểu rằng trái phiếu riêng lẻ chỉ bị giới hạn khi phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp, còn sau khi phát hành, việc giao dịch và nắm giữ trái phiếu trên thị trường thứ cấp không bị giới hạn bởi quy định này. Có trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ dưới 100 nhà đầu tư (thị trường sơ cấp), sau đó niêm yết giao dịch (thị trường thứ cấp) để tránh khỏi hình thức phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn. Do vậy, Nghị định mới đã hạn chế số lượng nhà đầu tư ngay cả trên thị trường thứ cấp. Mặc dù đưa ra hạn chế số lượng nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp, nhà làm luật cũng rất e ngại quyền lợi của nhà đầu tư trong giao dịch phát hành riêng lẻ vô hình trung bị ảnh hưởng đáng kể, giảm tính thanh khoản của trái phiếu và không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Do đó, việc giới hạn này được diễn ra trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, sau thời hạn này trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư (Khoản 8 Điều 6 Nghị định 163/2018/NĐ-CP).
Mặc dù đã có sự phát triển mạnh trong thời gian gần đây nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ so với với nhiều nước như Hàn Quốc, Malaysia,… Những sửa đổi, bổ sung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Bộ Tài chính dự kiến sẽ mang lại sự ảnh hưởng đối với hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, hoàn thiện thêm tính pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trái phiếu.
Trái Phiếu Doanh Nghiệp Reviewed by antlawyers on 19:21 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Công Ty Luật Sơn Tây © 2017
Edit bởi: Star Tuấn | Chia sẻ bởi: Blogspot VN

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.