Những Quy Định Cần Chú Ý Của Luật An Ninh Mạng

Luật An ninh mạng khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2019 sẽ siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng. Điều này cũng đòi hỏi mỗi cá nhân sử dụng Internet phải hiểu các quyền được phép và có trách nhiệm tuân thủ pháp luật nhằm xây dựng môi trường số an toàn, an ninh hơn.

Trước đây chưa có Luật An ninh mạng, các hành vi phạm pháp luật trên mạng thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, xử phạt. Những thông tin xấu độc, cùng với những tin tức giả mạo, xâm phạm quyền riêng tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục,… lan truyền rộng rãi mà không có cơ chế xử phạt trong khi những hành vi tương tự xảy ra ngoài xã hội sẽ bị xử phạt hành chính, dân sự hoặc thậm chí là hình sự tùy từng hành vi. Đặc biệt nghiêm trọng là các thế lực chống phá thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, định hướng tiêu cực các thông tin. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, âm mưu này được triển khai dưới nhiều phương thức khác nhau, và không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho các âm mưu đó. Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng để thực hiện các hành vi đó vì khó có thể xử lý. Luật An ninh mạng tạo ra khung pháp lý quản lý nhà nước trên Internet, đưa các hoạt động trên Internet vào chịu sự điều chỉnh của pháp luật quy chiếu vào các hành vi trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự. Mỗi cá nhân hoàn toàn có đầy đủ các quyền và lợi ích trên Internet miễn rằng không vi phạm quy định của luật. Nếu vi phạm sẽ chịu chế tài tương ứng.
Các hành vi bị cấm do Luật An ninh mạng quy định tại Điều 8 có thể kể đến như: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc; mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy phá hoại thuần phong mỹ tục; thông tin tuyên truyền xuyên tạc, chia rẽ, gây hấn; thông tin bịa đặt sai sự thật; cấm kinh doanh đa cấp, đánh bạc qua mạng internet;… Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Luật không có bất cứ quy định nào thiết lập sự áp đặt cấm đoán hay cản trở công dân hoạt động trên không gian mạng nói chung hay mạng xã hội nói riêng cũng như hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Các quy định trên cũng được quy định là hành vi vi phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ an ninh mạng gồm: Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.
Ngoài những điều khoản trên, Luật An ninh mạng còn có một điểm đáng chú ý đó là yêu cầu các công ty quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng tại Khoản 3 Điều 26, yêu cầu doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam. Đến nay, ngoài Việt Nam đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Bên cạnh những tranh cãi do quy định này gây ra, không thể phủ nhận những điểm tích cực nhất định. Nếu gặp sự cố gián đoạn sẽ được xử lý nhanh hơn; cơ quan chức năng sẽ quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này; khi có hành vi xâm phạm an ninh mạng, việc phối hợp xử lý thông tin và hành vi vi phạm sẽ hiệu quả và khả thi hơn. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn vệc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp.
Luật An ninh mạng ra đời đã hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng trước đây được ban hành và nằm rải rác tại nhiều quy định khác nhau. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nhưng không thể phủ nhận những giá trị mà Luật An ninh mạng mang lại nhất là về mặt quản lý nhà nước, đặc biệt an ninh mạng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Những Quy Định Cần Chú Ý Của Luật An Ninh Mạng Reviewed by antlawyers on 19:39 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Công Ty Luật Sơn Tây © 2017
Edit bởi: Star Tuấn | Chia sẻ bởi: Blogspot VN

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.