Nên Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài Thương Mại Hay Hòa Giải Thương Mại
Nên giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hay hoà giải thương mại? Ưu nhược điểm của trọng tài thương mại và hòa giải thương mại?
Hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ngoài tòa án) theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật.
Hàng lang pháp lý về trọng tài Thương mại và Hòa giải Thương mại tại Việt Nam đến hiện tại khá đầy đủ được thể hiện qua Luật Trọng tài Thương mại số 54/2010/QH12 có hiệu lực từ 01/1/2011, Quy tắc trọng tài của VIAC 2017 (đối với Trọng tài Thương mại); và Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về Hòa giải Thương mại, Thông tư 02/2018/TT-BTP ngày 26/2/2018 về ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại, quy tắc thương mại của VIAC (đối với hòa giải thương mại). Mặc dù vậy, để việc lựa chọn phương án trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp cần lưu ý, cân nhắc nhiều yếu tố khách quan, chủ quan để đưa ra quyết định sáng suốt là nên sử dụng hình thức nào để giải quyết. Một phần không nhỏ tác động đến hiệu quả của việc lựa chọn là chúng ta phải hiểu rõ bản chất, ưu điểm, nhược điểm của hai hình thức này.
I. PHƯƠNG THỨC HÒA GIẢI
1. Khái niệm
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh.Hòa giải được thực hiện dưới các hình thức: hòa giải ngoài thủ tục tố tụng và hòa giải trong thủ tục tố tụng. Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng là việc hòa giải được các bên tiến hành trước khi đưa đơn khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài. Hòa giải trong thủ tục tố tụng là hoạt động được tiến hành tại tòa án, tại cơ quan trọng tài khi các cơ quan này giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một bên. Khác với hòa giải ngoài thủ tục tố tụng, hòa giải trong thủ tục tố tụng được tiến hành dưới sự trợ giúp của tòa án hoặc trọng tài. Khi các bên hòa giải được với nhau, tòa án hoặc trọng tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
Ở Việt Nam, qua các thời kỳ phát triển kinh tế- xã hội, việc thương lượng, hòa giải nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh nhất là các tranh chấp thương mại luôn được coi trọng. Khi tranh chấp phát sinh các bên có thể tự thương lượng, hòa giải với nhau. Nếu thương lượng, hòa giải không thành mới đưa ra tòa án hoặc trọng tài. Và ngay cả khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài hoặc tòa án, các bên vẫn có thể tiến hành hòa giải với nhau.
2. Phân tích bản chất của phương pháp hòa giải
Bản chất của phương thức hòa giải được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải đã có sự hiện diện của bên thứ ba (do các bên tranh chấp lựa chọn) làm trung gian để trợ giúp các bên tìm kiếm giải pháp tối ưu nhằm loại trừ tranh chấp. Điểm khác biệt cơ bản giữa hòa giải và thương lượng là trong hòa giải có sự xuất hiên của bên thứ ba tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp còn thương lượng là sự tự giải quyết tranh chấp giữa các bên mà không có sự xuất hiện của người thứ ba. Mặc dù với vai trò là người hòa giải nhưng bên thứ ba không có quyền quyết định hay áp đặt bất cứ vấn đề gì nhằm ràng buộc các bên tranh chấp, mà họ chỉ đóng vai trò là trung gian đưa ra những hướng dẫn và trợ giúp nhất định để tạo cơ sở cho các bên trong tranh chấp thương mại đạt được sự thống nhất ý chí và đưa ra quyết định cuối cùng.
Thứ hai, quá trình hòa giải các bên tranh chấp cũng không chịu sự chi phối bởi các quy định có tính khuôn mẫu, bắt buộc của pháp luật về thủ tục hòa giải. Cũng giống như thương lượng, pháp luật hiện hành của nước ta không có quy định nào ràng buộc, chi phối đến cơ chế hòa giải ngoài các quy định có tính chất ghi nhận thương lượng, hòa giải là những phương thức giải quyết tranh chấp được các bên tranh chấp ưu tiên lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Thứ ba, kết quả hòa giải thành được thực thi cũng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của các bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế nào bảo đảm thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hòa giải.
3. Ưu điểm của phương thức hòa giải
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải cũng có nhiều ưu điểm như phương thức thương lượng, bởi tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém. Bên cạnh những ưu điểm chung, hòa giải còn có những ưu điểm vượt trội sau:
Thứ nhất, hòa giải có sự tham gia của người thư ba trong quá trình giải quyết tranh chấp mà bản thân thương lượng không thể có được. Bằng sự hiểu biết cũng như sự tín nhiệm của mình, người hòa giải sẽ biết cách làm cho ý chí của các bên dễ gặp nhau trong quá trình đàm phán để loại trừ tranh chấp.
Thứ hai, các bên hòa giải thành thì không có kẻ thắng người thua nên không gây ra tình trạng đối đầu giữa các bên và vì vậy khả năng duy trì được quan hệ hợp tác vốn có giữa các bên.
Thứ ba, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, các bên dễ dàng kiểm soát được việc cung cấp chứng cứ và sử dụng chứng cứ qua đó giữ được bí quyết kinh doanh và uy tín của các bên.
Thứ tư, do xuất phát từ tinh thần tự nguyện và thiện chí của các bên. Vì vậy khi đạt được phương án hòa giải, các bên thường nghiêm túc thực hiện.
4. Nhược điểm của phương thức hòa giải
Bên cạnh những ưu điểm đã trình bày ở trên, việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải vẫn còn một số những hạn chế đáng chú ý sau:
- Sự thành công của quá trình giải quyết tranh chấp chủ yếu phụ thuộc vào thái độ thiện chí và hợp tác của các bên tranh chấp.
- Việc thực thi các kết quả đã đạt được trong quá trình giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào sự tự nguyện thi hành của bên có nghĩa vụ phải thi hành, thỏa thuận hòa giải giữa các bên (trừ trường hợp hòa giải tại trọng tài và tòa án) không được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.
- Bên tranh chấp không có thiện chí có thể lợi dụng việc hòa giải để trì hoãn việc phải thực hiện nghĩa vụ. Nhiều trường hợp do muốn tìm mọi cách mà bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài do hết thời hiệu khởi kiện.
Ngoài ra, trong quá trình hoà giải các bên phải trao đổi, cung cấp thông tin với người thứ ba về hoạt động kinh doanh của mỗi bên liên quan đến vụ tranh chấp nên uy tín cũng như bí quyết khinh doanh của mỗi bên dễ bị ảnh hưởng hơn so với phương thức thương lượng. Bên cạnh đó, việc chi phí cho quá trình giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải cũng tốn kém hơn so với thương lượng, bởi một hoặc các bên phải trả khoản dịch vụ phí cho người thứ ba làm trung gian hòa giải.
II. PHƯƠNG THỨC TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI:
1. Khái niệm
Giải quyết tranh chấp trong thương mại bằng trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột trong quá trình tiến hành các hoạt động thương mại bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện. Tại khoản 1 điều 3 Luật trọng tài thương mại năm 2010 cũng quy định: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của luật này.”
2. Bản chất của phương thức trọng tài thương mại
Về bản chất, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại không mang ý chí quyền lực nhà nước (không nhân danh quyền lực nhà nước như phán quyết của toà án) mà chủ yếu được giải quyết dựa trên phán quyết của trọng tài thương mại (được các bên lựa chọn) theo thủ tục linh hoạt, mềm dẻo. Ngoài ra, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này còn đảm bảo tối đa uy tín cũng như bí mật của các bên tranh chấp, góp phần củng cố và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên.
Điều này được thể hiện qua các đặc điểm sau:
Thứ nhất, trọng tài thương mại là một loại hình tổ chức phi Chính phủ, hoạt động theo Luật trọng tài năm 2010 và quy chế trọng tài thương mại quốc tế. Nó có quyền phán quyết như tòa án và quyết định của trọng tài được cưỡng chế thi hành. Tính chất phi chính phủ của phương thức này được thể hiện:
a) Hội đồng trọng tài, tổ chức trọng tài không phải được thành lập bởi Nhà nước mà được thành lập theo sáng kiến của trọng tài viên sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
b) Hội đồng trọng tài, các tổ chức trọng tài và các trọng tài viên không nằm trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, cũng không thuộc hệ thống cơ quan xét xử nhà nước.
c) Các tổ chức trọng tài hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải mà không được cấp kinh phí hoạt động trong ngân sách nhà nước.
d) Trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước mà nhân danh người thứ ba để ra phán quyết.
e) Hoạt động trọng tài vẫn luôn đặt dưới sự quản lý và hỗ trợ của nhà nước, nhà nước ban hành các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động như cấp, thay đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của các trung tâm trọng tài. Nhà nước hỗ trợ các hoạt động của tố tụng trọng tài như: hỗ trợ chỉ định, thay đổi trọng tài viên, cưỡng chế thi hành quyết định trọng tài.
Thứ hai, cơ chế giải quyết tanh chấp bằng trọng tài là sự kết hợp giữa hai yếu tố thỏa thuận và tài phán. Thỏa thuận làm tiền đề cho phán quyết và không thể có phán quyết thoát ly những yếu tố đã được thỏa thuận. Do đó, về nguyên tắc thẩm quyền của trọng tài không bị giới hạn bởi pháp luật, các đương sự có thể lựa chọn bất kì lúc nào, bất cứ trọng tài ad-hoc nào hoặc bất cứ trung tâm trọng tài nào trên thế giới. Tuy nhiên để bảo vệ lợi ích của nhà nước (lợi ích công), một số nước trên thế giới chỉ thừa nhận thầm quyền của trọng tài trong lĩnh vực luật tư; ở Việt Nam tuy không phân biệt luật công và luật tư nhưng pháp luật nước ta cũng chỉ thừa nhận thẩm quyền của trọng tài trong lĩnh vực thương mại và một số lĩnh vực nhất định (Điều 2 Luật trọng tài năm 2010).
Thứ ba, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo quyền tự định đoạt của các đương sự rất cao: Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên, lựa chọn quy tắc trọng tài, luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Luật trọng tài năm 2010 của nước CHXHCN Vệt Nam tại điều 14 đã quy định: “1. Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp; 2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất; 3. Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.” Ngoài ra một trong các nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là phiên họp giải quyết tranh chấp không diễn ra công khai trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nguyên tắc này đã thể hiện được sự tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp trong giải quyết tranh chấp.
Thứ tư, phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành đối với các bên. Nếu một trong các bên không thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài (Khoản 5 điều 61 và điều 66 Luật trọng tài thương mại năm 2010).
Phương thức trọng tài thương mại có sự hỗ trợ của tòa án. Sở dĩ cần sự hỗ trợ của tòa án bởi vì phán quyết của trọng tài không mang tính quyền lực nhà nước. Do đó, cần phải có một cơ quan nhà nước hỗ trợ, đó là tòa án. Theo Luật trọng tài năm 2010 của nước ta quy định thì tòa án hỗ trợ để đảm bảo thi hành thỏa thuận trọng tài, hỗ trợ cho trọng tài trong việc chỉ định trọng tài viên, áp dụng các biện pháp khẩn cấp, kiểm tra, giám sát đối với các quyết định của trọng tài, hủy quyết định trọng tài.
Trọng tài tồn tại dưới hai hình thức cơ bản: trọng tài vụ việc (trọng tài adhoc) và trọng tài thường trực.
a) Trọng tài vụ việc (Trọng tài ad-hoc): là hình thức trọng tài được lập ra để giải quyết các tranh chấp cụ thể khi có yêu cầu và tự giải thể khi giải quyết xong tranh chấp đó. Đặc điểm cơ bản của trọng tài vụ việc là không có trụ sở, không có bộ máy giúp việc và không lệ thuộc vào bất cứ một quy tắc xét xử nào. Các bên khi yêu cầu trọng tài ad-hoc xét xử có quyền lựa chọn thủ tục, các phương thức tiến hành tố tụng. Đây là hình thức tổ chức đơn giản, khá linh hoạt, mềm dẻo về phương thức hoạt động nên nói chung phù hợp với những tranh chấp ít tình tiết phức tạp, có nhu cầu giải quyết nhanh chóng và các bên tranh chấp có kiến thức và hiểu biết về pháp luật, cũng như kinh nghiệm tố tụng. Trên thực tế, số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài ad-hoc không nhiều.
b) Trọng tài thường trực là những tổ chức trọng tài có hình thức tổ chức, trụ sở ổn định, có danh sách trọng tài viên và hoạt động theo điều lệ riêng. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà chủ yếu là Luật trọng tài năm 2010 và Luật doanh nghiệp năm 2014.
3. Các ưu điểm của phương thức trọng tài thương mại
Thứ nhất, phán quyết của trọng tài thương mại có tính chung thẩm: đa số các quyết định trọng tài không bị kháng cáo, chỉ trừ trường hợp một bên trong tranh chấp yêu cầu và có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 điều 68 luật trọng tài năm 2010 thì quyết định trọng tài bị hủy theo quyết định của tòa án.
Thứ hai, các quyết định trọng tài được công nhận quốc tế thông qua một loạt
các công ước quốc tế được kí kết đặc biệt là công ước New York năm 1958 về thi hành quyết định trọng tài nước ngoài, hiện nay có khoảng 120 quốc gia là thành viên của công ước này.
Thứ ba, là cơ quan trọng tài hoàn toàn trung lập, các trọng tài viên có trình độ chuyên môn cao. Để trở thành trọng tài viên thì cá nhân phải đáp ứng những yêu cầu mà pháp luật quy định, theo luật trọng tài của nước CHXHCN Việt Nam năm 2010 thì người đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại điều 20 thì có thể làm trọng tài viên.
Thứ tư, là trọng tài thương mại mang tính linh hoạt, đảm bảo tốt hơn quyền tự định đoạt của các bên. Nghĩa là các bên có quyền tự quyết định chọn hình thức tổ chức trọng tài cũng như trọng tài viên mà mình ưa thích; có quyền lựa chọn địa điểm, thời gian sao cho tiện với doanh nghiệp. Như vậy so với tòa án, các công việc đó do thẩm phán có thẩm quyền quyết định và doanh nghiệp phải tuân theo thì hình thức trọng tài thương mại tạo cho các bên tranh chấp có thể chủ động hơn.
Thứ năm, là trọng tài thương mại mang tính bí mật: các phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài không được tổ chức công khai và chỉ có các bên nhận được quyết định. Đây là một ưu điểm lớn của phương thức trọng tài khi các tranh chấp liên quan đến các bí mật thương mại và phát minh.
Thứ sáu, là giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài có thế giúp các bên tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn so với phương thức thông qua tòa án. Trọng tài có thể tiến hành rất nhanh trong vòng vài tuần hoặc vài tháng nếu các bên mong muốn. Trong hợp đồng với tổ chức trọng tài, các bên có thể thỏa thuận giới hạn thời gian cần thiết để đưa ra quyết định trọng tài.
4. Nhược điểm của phương thức trọng tài thương mại:
Các trọng tài viên có thể gặp khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh và thu thập chứng cứ và triệu tập nhân chứng vì tuy pháp luật có ghi nhận các quyền này tại điều 45, 46 và 47 Luật trọng tài năm 2010 nhưng quyền của họ chỉ dừng lại ở mức được “yêu cầu” còn việc có cung cấp chứng cứ hay không phải dựa vào sự tự nguyện và thiện chí của các bên và người làm chứng.
Trọng tài ad-hoc phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các bên. Nếu một bên không có thiện chí, quá trình tố tụng sẽ luôn có nguy cơ bị trì hoãn, và nhiều khi không thể thành lập được Hội đồng Trọng tài bởi vì không có quy tắc tố tụng nào được áp dụng và không có tổ chức nào giám sát việc tiến hành trọng tài và giám sát các Trọng tài viên. Vì vậy, kết quả phần lớn phụ thuộc vào việc tiến hành tố tụng và khả năng kiểm soát quá trình tố tụng của các Trọng tài viên. Cả Trọng tài viên và các bên sẽ không có cơ hội nhận được sự ủng hộ và trợ giúp đặc biệt từ một tổ chức trọng tài thường trực trong trường hợp phát sinh sự kiện không dự kiến trước và trong trường hợp các Trọng tài viên không thể giải quyết được vụ việc. Sự hỗ trợ duy nhất mà các bên có thể nhận được là từ các Tòa án.
Hình thức Trọng tài quy chế có nhược điểm là tốn kém nhiều chi phí. Rõ ràng giải quyết tranh chấp tại Trọng tài quy chế, ngoài việc phải trả chi phí thù lao cho các Trọng tài viên, các bên còn phải trả thêm các chi phí hành chính để nhận được sự hỗ trợ của các trung tâm trọng tài. Ngoài ra trong một số trường hợp quá trình giải quyết tranh chấp bị kéo dài mà Hội đồng Trọng tài các các bên bắt buộc phải tuân thủ vì phải tuân theo các thời hạn theo quy định của Quy tắc tố tụng trọng tài làm giảm hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài.
Như vậy, qua phân tích trên có thể thấy mỗi phương thức giải quyết đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Tuỳ trường vụ việc, tình huống cụ thể mà chúng ta nên lựa chọn hình thức phù hợp. Theo ông Phạm Quốc Tuấn- Luật sư điều hành của Công ty Luật DIMAC, Trọng tài viên của VIAC, để việc lựa chọn phương án trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp cần lưu ý, đối với trọng tài thương mại, doanh nghiệp cần kiểm tra thật kỹ thời hiệu của vụ việc, cân nhắc lựa chọn đúng Trọng tài viên uy tín, không vi phạm các thủ tục tố tụng trọng tài, chuẩn bị tất cả và đầy đủ số liệu/bằng chứng vụ việc; đối với hòa giải thương mại, doanh nghiệp cần có thỏa thuận hòa giải, chọn Hòa giải viên có kinh nghiệm, khả năng và đạo đức, lưu ý thủ tục cần làm sau khi hòa giải thành công.
Nguồn : luatsu1900
Nên Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài Thương Mại Hay Hòa Giải Thương Mại
Reviewed by antlawyers
on
02:18
Rating:
Không có nhận xét nào: