Luật Xuất, Nhập Cảnh Có Gì Mới

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua tháng 6-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.

Luật mới tăng thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú, thường trú – một hình thức cải cách hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi không phải nhiều lần xin cấp các loại giấy tờ trên. Thời gian làm thủ tục và thẩm quyền quyết định cũng thay đổi theo hướng thuận tiện hơn: thời gian xem xét chỉ còn tối đa 4 tháng (trước đây là 6 tháng) và thẩm quyền chỉ còn giao cho Bộ trưởng Bộ Công an (trước đây hầu hết các trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ quyết định đối với người nước ngoài là thân nhân của công dân Việt Nam).
Luật mới mở rộng diện miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. Diện được cấp thị thực tại cửa khẩu cũng mở rộng hơn để tạo thuận lợi cho các trường hợp cần đi lại khẩn cấp.
Các biểu mẫu tờ khai mới đã được ban hành, người dân có thể truy cập và tải miễn phí trên trang web của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Các biểu mẫu đã cấp cho người dân vẫn còn hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn. Trong khi chờ quy định mới của Bộ Tài chính, lệ phí sẽ áp dụng theo mức cũ.
Theo quy định trước đây, việc xác định mục đích nhập cảnh rất chung chung, chỉ có 10 loại theo ký hiệu A,B,C,D, nay quy định rõ tới 20 loại theo ký hiệu viết tắt cho từng mục đích như NG (mục đích ngoại giao), NN (mục đích văn phòng đại diện, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ), LĐ (mục đích lao động), DH (học tập), DL (du lịch), VR (thăm thân nhân)… cho phù hợp hơn với các nước. Lưu ý rằng theo luật mới sẽ không được phép chuyển mục đích thị thực (nếu khách có nhu cầu chuyển mục đích thì buộc phải xuất cảnh để xin thị thực khác phù hợp với mục đích mới)…
Nếu như trước đây thời hạn tối đa của thị thực chỉ là 12 tháng thì nay luật mới đã nâng lên tới năm năm. Cụ thể: thăm thân nhân tối đa sáu tháng (trước đây là ba tháng), lao động tối đa hai năm, đầu tư tối đa năm năm.
Ngoài ra, thời hạn thẻ tạm trú cũng được nâng lên tối đa tới năm năm tùy đối tượng. Thẻ thường trú được nâng thời hạn lên 10 năm mới phải cấp đổi (trước đây chỉ cho ba năm).
Loại thị thực ký hiệu D trước đây được thay bằng ký hiệu SQ, được nâng thời hạn lên 30 ngày (mức cũ là 15 ngày), với điều kiện khách phải chứng minh đủ khả năng tài chính trong thời gian ở Việt Nam, có vé khứ hồi hoặc đi tiếp nước khác… Người nước ngoài được miễn thị thực theo diện Việt Nam đơn phương áp dụng cũng sẽ được nhập cảnh không giới hạn số lần nhưng thời gian cách nhau giữa hai lần nhập cảnh ít nhất 30 ngày.
Luật mới quy định cụ thể 9 quyền và 4 nghĩa vụ của người nước ngoài nhập, xuất, quá cảnh, cư trú tại VN (Pháp lệnh trước đây không có quy định này). Trong đó, đáng chú ý là quyền của người có thẻ tạm trú được bảo lãnh thân nhân vào Việt Nam thăm và được bảo lãnh cho vợ, chồng, con dưới 18 tuổi vào Việt Nam cư trú với mình và được cấp thẻ tạm trú trong thời hạn thẻ tạm trú mà mình đã được cấp.

 Công ty luật cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý tại Việt Nam và hỗ trợ khách hàng Việt Nam cho các vụ việc tại các nước trong mạng lưới liên kết hơn 150 nước.
Luật Xuất, Nhập Cảnh Có Gì Mới Reviewed by antlawyers on 00:36 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Công Ty Luật Sơn Tây © 2017
Edit bởi: Star Tuấn | Chia sẻ bởi: Blogspot VN

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.