Thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại hải quan thực hiện thế nào?

  


Trình tự, thủ tục nhập khẩu hàng hóa hải quan? Khi nào thì hàng hóa được thông quan? Những điều cần lưu ý khi nhập khẩu hàng hóa là gì?

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.

Trình tự, thủ tục nhập khẩu hàng hóa hải quan

Bước 1: Khai và đăng ký tờ khai hải quan; nộp xuất trình chứng từ theo Hồ sơ hải quan.

Việc khai thủ tục hải quan bao gồm cả việc khai thuế khi làm thủ tục hải quan. Người khai hải quan cần điền đầy đủ thông tin vào Tờ khai hải quan do Bộ Tài chính ban hành.

Tại bước này, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra các điều kiện đăng ký tờ khai hải quan, bao gồm: Kiểm tra điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế, tạm dừng thủ tục hải quan; Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của thông tin khai hải quan và chứng từ có liên quan; Kiểm tra việc tuân thủ chế độ và chính sách quản lý, thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong thời hạn chậm nhất là 02 giờ, cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra xong hồ sơ hải quan.

Trường hợp không đủ điều kiện thì cơ quan hải quan phải thông báo bằng văn bản cho người khai hải quan biết.

Bước 2: Kiểm tra thực tế hàng hóa

Đây không phải là bước bắt buộc thực hiện đối với mọi loại hàng hóa. Những hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế thì tiến hành tiếp các bước tiếp theo mà không cần thông qua bước này. Hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế được quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hải quan Việt Nam năm 2104.

Đối với những hàng hóa không thuộc diện được miễn kiểm tra thực tế thì cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra thực tế khi hàng hóa đã được đưa về địa điểm được quy định. Hàng hóa có thể được kiểm tra bằng phương pháp thủ công hoặc bằng máy móc, kiểm tra toàn bộ hoặc theo tỉ lệ, xác suất tùy thuộc vào tính chất, số lượng hàng hóa.

Thời hạn kiểm tra hàng hóa thực tế được quy định như sau:

  • Chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa;
  • Đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về y tế, văn hóa, kiểm dịch… thì trong 08 giờ làm việc tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành;
  • Đối với lô hàng số lượng lớn, việc kiểm tra phức tạp thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 ngày.

Trong thời hạn quy định, công chức hải quan tiến hành kiểm tra những vấn đề, ví dụ như: tình trạng bao bì niêm phong, nhãn mác, số lượng, chất lượng…

Sau khi kiểm tra thực tế, nếu việc kiểm tra phù hợp với tờ khai thì công chức hải quan xác nhận người khai hải quan đã làm thủ tục hải quan, nếu việc kiểm tra có sai lệch với tờ khai: đề xuất biện pháp giải quyết, trình lãnh đạo Chi cục xem xét để ra quyết định và báo cho người khai hải quan biết.

Bước 3: Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính

Phí và lệ phí hải quan gồm: Phí niêm phong, kẹp chì, lưu kho Hải quan; lệ phí làm thủ tục hải quan theo quy định là 20.000 đ/tờ khai và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh Việt Nam là 200.000 đ/tờ khai.

Phí, lệ phí hải quan thu bằng đồng Việt Nam. Trường hợp đối tượng nộp phí, lệ phí hải quan có nhu cầu nộp bằng ngoại tệ thì được thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và được quy đổi từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ tự do chuyển đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí, lệ phí.

Thời hạn nộp phí, lệ phí được quy định như sau: Lệ phí làm thủ tục hải quan phải nộp trước khi cơ quan hải quan kiểm tra xác nhận “đã hoàn thành thủ tục hải quan; Lệ phí hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh phải nộp ngay khi làm thủ tục cho hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh.

Doanh nghiệp tiến hành nộp thuế sau khi đã có thông báo của cơ quan Hải quan về kết quả kiểm tra trị giá tính thuế tự tính của doanh nghiệp. Nếu việc tự tính của người khai hải quan là đúng thì được tiến hành nộp thuế theo tờ khai. Nếu việc tính thuế có sự sai lệch giữa cơ quan hải quan và người khai hải quan thì tiến hành tham vấn.

Bước 4: Thông quan hàng hóa

Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Quy định về các trường hợp hàng hóa được thông quan được ghi nhận cụ thể tại Điều 37 Luật Hải quan 2014. Đối với những hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng; túi ngoại giao, túi lãnh sự, hành lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ được thông quan ngay.

Bước 5: Kiểm tra sau thông quan

Công chức Hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các chứng từ có liên quan đến hàng hoá nhập khẩu; trong trường hợp cần thiết và đủ điều kiện thì kiểm tra hàng hoá nhập khẩu đã được thông quan của các tổ chức, cá nhân (gọi là đơn vị được kiểm tra). Tiến hành kiểm tra trong hai trường hợp: Phát hiện dấu hiệu trốn thuế; hoặc nghi ngờ có hành vi vi phạm hoặc kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề.

Bước 6: Giải phóng hàng

Đây là việc cơ quan hải quan kiểm tra lại các việc đã làm trong quá trình thông quan hàng hóa để phát hiện những sai sót, đồng thời bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu, sắp xếp lại hồ sơ cho khách hàng, tiện cho việc tra cứu. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký quyết định thông quan thì cơ quan hải quan phải tiến hành phúc tập hồ sơ.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với Công ty luật để được tư vấn hoặc hỗ trợ dịch vụ xin Giấy phép nhập khẩu, soạn thảo Hợp đồng mua bán.. 

Thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại hải quan thực hiện thế nào? Reviewed by ANTLAWYERS on 20:03 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Công Ty Luật Sơn Tây © 2017
Edit bởi: Star Tuấn | Chia sẻ bởi: Blogspot VN

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.