Thời Hiệu Khởi Kiện Theo Thủ Tục Trọng Tài
Pháp luật trọng tài luôn đặt thời hiệu cho việc yêu cầu giải quyết tranh chấp, tức áp đặt một khoảng thời gian nhất định để các bên được đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài. Theo Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“Luật TTTM”), trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Về hệ quả của hết thời hiệu, pháp luật về trọng tài không có quy định chung nhưng Bộ luật dân sự 2015 (“BLDS”) đã theo hướng là các bên mất quyền khởi kiện: “nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”. Hội đồng trọng tài không xem xét giải quyết các yêu cầu đã hết thời hiệu, tức Hội đồng Trọng tài không phán xét ai đúng, ai sai. Do đó, doanh nghiệp cần yêu cầu trong thời hạn luật định nếu muốn được cơ quan tài phán giải quyết, nếu không thì yêu cầu không được xem xét mặc dù có yêu cầu và đóng các phí liên quan. Ngoài ra, một điều cần lưu ý là Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Liên quan đến thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài nêu trên, chúng ta có thể hiểu rằng về nguyên tắc, việc khởi kiện ra Trọng tài bị giới hạn bởi thời gian 2 năm. Tuy nhiên, sau khi Luật TTTM được ban hành, pháp luật Việt Nam có sự thay đổi theo hướng có những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Cụ thể, thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: (i) Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; (ii) Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác; (iii) Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai; (iv) Trường hợp khác do luật quy định. Ví dụ, tranh chấp liên quan đến đòi tài sản đặc cọc thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Cụ thể, tài sản đặt cọc vẫn thuộc sở hữu của bên đặt cọc mặc dù đã được giao cho bên nhận cọc và đòi tài sản là một biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong khi tranh chấp về bảo vệ quyền sở hữu tài sản thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Trên thực tế, thời điểm khởi kiện kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có thể dài hơn 2 năm nếu xảy ra trường hợp có thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện hoặc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây: (i) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu; (ii) Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; (iii) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân hoặc người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: (i) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (ii) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (iii) Các bên đã tự hòa giải với nhau. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện trên. Ví dụ, trường hợp thời hiệu khởi kiện 2 năm đã kết thúc vẫn có thể bắt đầu lại 2 năm kể từ ngày một bên thừa nhận còn nợ bên kia một khoản tiền bằng văn bản.
Không có nhận xét nào: