Nghĩa Vụ Thuế Của Văn Phòng Đại Diện Thương Nhân Nước Ngoài Tại Việt Nam

  Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam.

Theo quy định tại Luật thương mại 2005, văn phòng đại diện không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cũng như thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích phát sinh lợi nhuận, chỉ được thực hiện các hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập văn phòng đại diện. Bên cạnh đó, được quyền thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng đại diện; tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam; sử dụng tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ do thương nhân nước ngoài mở tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng đại diện; có con dấu mang tên văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Văn phòng đại diện có thể thực hiện việc ký kết hợp đồng, thực hiện các giao dịch với đối tác khi có sự ủy quyền của doanh nghiệp.

Như vậy, vì phạm vi hoạt động hạn chế nên nghĩa vụ thuế của một văn phòng đại diện nước ngoài hẹp hơn so với một công ty.

Theo Công văn số 15865/BTC-CST ngày 7 tháng 11 năm 2016, Công văn số 1025/BTC-CST ngày 20 tháng 1 năm 2017 hướng dẫn về lệ phí môn bài của Bộ Tài chính, trường hợp văn phòng đại diện của doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài; trường hợp văn phòng đại diện không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài theo quy định. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép, không thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không thuộc diện phải nộp lệ phí môn bài.

Về thuế thu nhập cá nhân, việc văn phòng đại diện có quyền tuyển dụng người lao động Việt Nam hoặc nước ngoài để làm việc tại văn phòng là căn cứ phát sinh nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Thông tư 111/2013/TT-BTC, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài là đối tượng phải đăng ký thuế thu nhập cá nhân. Với những người lao động làm việc tại văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì thu nhập chịu thuế chính là tiền lương, tiền công được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007. Nghĩa vụ kê khai, khấu trừ, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân của người lao động làm việc tại văn phòng đại diện nước ngoài là trách nhiệm của chính văn phòng đại diện đó.
Trên đây là quy định về nghĩa vụ thuế của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. 



Nghĩa Vụ Thuế Của Văn Phòng Đại Diện Thương Nhân Nước Ngoài Tại Việt Nam Reviewed by ANTLAWYERS on 21:25 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Công Ty Luật Sơn Tây © 2017
Edit bởi: Star Tuấn | Chia sẻ bởi: Blogspot VN

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.