Những Trường Hợp Nào Thì Pháp Luật Cấm Kết Hôn ?

Kết hôn là gì? Pháp luật hiện hành quy định về những điều kiện kết hôn như thế nào? Những trường hợp nào thì pháp luật cấm kết hôn?
Việc quy định các điều kiện kết hôn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống hôn nhân và gia đình. Vì vậy, các trường hợp cấm kết hôn cũng được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở xã hội. Việc không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn sẽ đảm bảo cho quan hệ hôn nhân được xác lập phù hợp với mục đích ý nghĩa xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam, nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng; gìn giữ thuần phong mỹ tục của người Việt Nam đối với đời sống hôn nhân và gia đình, góp phần duy trì nòi giống, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Các trường hợp cấm kết hôn được quy định như sau:
1.1. Cấm kết hôn đối với người đang có vợ có chồng
Người đang có vợ, có chồng là người đang tồn tại một quan hệ hôn nhân được Nhà nước thừa nhận bao gồm:
Người đã kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và quan hệ hôn nhân đó vẫn đang tồn tại.
Người chung sống với người khác như vợ chồng từ trước ngày 3/1/1987 và đang chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Như vậy, chỉ những người chưa có vợ, có chồng hoặc đã có vợ, có chồng nhưng hôn nhân trước đã chấm dứt thì mới được phép kết hôn. Nếu người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng thì việc kết hôn đó là trái pháp luật. Quy định đây là một trong các trường cấm kết hôn là nhằm bảo đảm nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc; góp phần xóa bỏ chế độ đa thê, giải phóng và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
1.2. Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa
dối kết hôn, cản trở kết hôn
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Như vậy, đây là một quy định xuất phát từ nghiên cứu y học về sự phát triển của con người Việt Nam. Do đó, quy định này là hoàn toàn phù hợp với độ tuổi mà pháp luật quy định. Việc tảo hôn vẫn diễn ra trên thực tế khá phổ biến, do vậy để hạn chế tình trạng này thì trước hết cần có sự tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người. Đối với các trường hợp cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn được coi là các trường hợp cấm kết hôn thì hoàn toàn phù hợp với điều kiện để được kết hôn là phải thể hiện ý chí tự nguyện của nam, nữ.
1.3. Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời
Những người có cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kế tiếp nhau – khoản 17 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Ví dụ: ông bà với cháu, cha mẹ với con.
Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha, mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha, mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Vì vậy, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời được xác định cụ thể như sau: Cấm kết hôn giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; cấm kết hôn giữa bác ruột, chú ruột, cậu ruột với các cháu gái, bác ruột, cô ruột, dì ruột với các cháu trai và cấm kết hôn giữa anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì với nhau.
Quy định như trên là dựa trên kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y học, các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ việc kết hôn gần gũi về huyết thống trong phạm vi trực hệ hoặc ba đời sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ đời sau. Thế hệ con cái của những cuộc hôn nhân này thường hay mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, tỷ lệ tử vong sau sinh cao. Điều này là nguyên nhân làm suy giảm giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Do đó, cấm kết hôn giữa những người có mối liên hệ huyết thống trong phạm vi ba đời là hoàn toàn phù hợp, góp phần duy trì và bảo tồn nòi giống, giúp thực hiện tốt chức năng của gia đình, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
1.4. Cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
Ngoài việc cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, Luật hôn nhân và gia đình 2014 còn cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp với đạo đức, văn hóa của người Việt Nam; góp phần bảo vệ những nét đẹp mang giá trị văn hóa, truyền thống của người Việt Nam đối với đời sống hôn nhân và gia đình, đồng thời góp phần ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình.
1.5. Cấm kết hôn giả tạo
Quy định kết hôn giả tạo là một trong các hành vi bị cấm thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền tự do kết hôn của cá nhân, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ thực hiện dịch vụ soạn đơn ly hôn, yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.


Nguồn: luatsu1900
Những Trường Hợp Nào Thì Pháp Luật Cấm Kết Hôn ? Reviewed by antlawyers on 19:15 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Công Ty Luật Sơn Tây © 2017
Edit bởi: Star Tuấn | Chia sẻ bởi: Blogspot VN

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.