Hướng Dẫn Thủ Tục Chấm Dứt Hoạt Động Của Chi Nhánh
Chi nhánh là gì? Chi nhánh được chấm dứt hoạt động khi nào? Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh được thực hiện như thế nào?
Chi nhánh là một đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và có nhiệm vụ thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 206 Luật doanh nghiệp 2014, chi nhánh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc thực hiện theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để bắt đầu cho quá trình chấm dứt hoạt động chi nhánh, bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm: Quyết định của doanh nghiệp về chấm dứt hoạt động chi nhánh hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội; danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh và con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có). Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh bị giải thể phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, bạn mang nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.
Trên đây là bài tư vấn của Công ty luật về thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ thực hiện dịch vụ chấm dứt hoạt động của chi nhánh.
Nguồn : Luatsu1900
Hướng Dẫn Thủ Tục Chấm Dứt Hoạt Động Của Chi Nhánh
Reviewed by antlawyers
on
20:15
Rating:
Không có nhận xét nào: