Trao Đổi Về Vấn Đề Áp Dụng Pháp Luật Trong Quan Hệ Hợp Đồng Thương Mại
Ở Việt Nam, quan hệ hợp đồng thương mại nói chung được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm khác nhau đó tạo nên cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động thương mại nói chung được thực hiện trên cơ sở quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên tham gia mà nhà nước cho phép.
Tuy nhiên, do các văn bản này điều chỉnh về cùng một vấn đề của hoạt động thương mại, dẫn đến sự quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Do đó, xác định luật áp dụng trong hợp đồng thương mại là một trong những vấn đề các bên tham gia giao kết phải chú ý, tránh xảy ra tranh chấp. Hai văn bản quy phạm pháp luật thường được áp dụng trong quan hệ thương mại gồm Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Ngoài hai văn bản quy phạm pháp luật này vẫn còn các ngành luật khác như Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản,… làm căn cứ điều chỉnh hợp đồng thương mại tùy từng trường hợp cụ thể.
Khi nào áp dụng Luật Thương mại?
Thứ nhất, về các trường hợp đương nhiên áp dụng Luật Thương mại
Căn cứ Điều 1, Điều 2 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam giữa các bên là thương nhân (bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh) thì Luật Thương mại đương nhiên được áp dụng.
Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định này là hoạt động thương mại không có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự, là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Cần chú ý rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, những thứ được coi là hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản (kể cả động sản hình thành trong tương lai) và những vật gắn liền với đất đai, điều đó có nghĩa rằng quyền sử dụng đất không phải là hàng hóa và không chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.
Ngoài tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và các cá nhân hoạt động có đăng ký kinh doanh, thì các cá nhân hoạt động không có đăng ký kinh doanh như buôn bán rong, buôn bán vặt, đánh giày, bán vé số, chữa khóa,… phải tuân theo quy định của Nghị định 39/2007/NĐ-CP, pháp luật về thương mại áp dụng đối với thương nhân và pháp luật có liên quan.
Thứ hai, các trường hợp thỏa thuận áp dụng Luật Thương mại
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại 2005, hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này. “Bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi” được hiểu rằng không phải thương nhân. Quyền lựa chọn Luật Thương mại có được áp dụng hay không trong trường hợp này thuộc về bên không phải thương nhân.
Luật Thương mại là luật riêng có của Việt Nam, do đó với những quan hệ có yếu tố nước ngoài, Luật Thương mại không được quyền đương nhiên áp dụng. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Tùy theo thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng của các bên mà Luật Thương mại có thể được áp dụng.
Khi nào áp dụng Bộ luật Dân sự?
Trước hết, mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại là mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng. Theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự thì quan hệ dân sự bao gồm cả quan hệ kinh doanh, thương mại. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại thì “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. Các quy định này xác lập mối quan hệ luật chung, luật riêng giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Do đó, trong những trường hơp Luật Thương mại chưa có quy định điều chỉnh, thì Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.
Viện dẫn nguyên tắc này, trong trường hợp “Bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi” trong trường hợp được đề cập bên trên lựa chọn không áp dụng Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các Bộ luật Dân sự hoặc Luật Thương mại có thể được áp dụng. Nhằm tránh xảy ra tranh chấp từ những cách hiểu khác nhau, các bên trong hợp đồng cần phải tìm hiểu rõ quy định của pháp luật để có sự viện dẫn phù hợp.
Hãy liên hệ với công ty luật để được tư vấn, giải đáp về pháp luật trong quan hệ hợp đồng thương mại và các lĩnh vực khác.
Nguồn: http://www.antlawyers.com/trao-doi-ve-van-de-ap-dung-phap-luat-trong-quan-he-hop-dong-thuong-mai/#ixzz5lmkccgOS
Trao Đổi Về Vấn Đề Áp Dụng Pháp Luật Trong Quan Hệ Hợp Đồng Thương Mại
Reviewed by antlawyers
on
19:30
Rating:
Không có nhận xét nào: